Thời kỳ cuối trị vì Thốc_Phát_Nục_Đàn

Việc tái tuyên bố độc lập có lẽ là để thể hiện sức mạnh vì vào thời điểm đó, Nam Lương gặp phải khó khăn nhất định, kiệt quệ vì các cuộc chiến tranh liên miên với Bắc Lương và Tây Tần của Khất Phục Càn Quy (Khất Phục Càn Quy tái tuyên bố độc lập khỏi Hậu Tần vào năm 409), các sử gia thường đánh giá Thốc Phát Nục Đàn phải chịu trách nhiệm cho việc Nam Lương suy sụp vì ông vẫn tiếp tục chiến tranh trong khi người dân đã trở nên kiệt sức.

Năm 410, ông tiến đánh Bắc Lương và buộc 1.000 hộ phải theo mình về Nam Lương. Để trả đũa, Thư Cừ Mông Tốn đã cướp phá một số lượng lớn các hộ của Nam Lương, và khi Thốc Phát Câu Diên đáp trả, Thư Cừ Mông Tốn đã đánh bại ông ta. Khi Thốc Phát Nục Đàn đích thân dẫn theo một đội quân lớn tiến đánh cũng đã bị Thư Cừ Mông Tốn đánh bại, Thư Cừ Mông Tốn sau đó bao vây Cô Tang. Các cư dân của Cô Tang, ghi nhớ về vụ thảm sát mà Thốc Phát Nục Đàn đã thực hiện trong cuộc nổi loạn của Vương Chung nên hoảng sợ và một số lượng lớn đã đầu hàng Thư Cừ Mông Tốn. Khi tướng Chiết Khuất Cơ Chấn (折屈奇鎮) nổi loạn ở phía nam, Thốc Phát Nục Đàn trở nên sợ hãi và chuyển kinh thành từ Cô Tang về Lạc Đô. Tướng Tiêu Lãng nhanh chóng nổi loạn và chiếm giữ Cô Tang, mặc dù vậy, Thư Cừ Mông Tốn đã chinh phục được thành vào năm 411, và sau đó tiến đến Lạc Đô, vây thành trong hơn một tháng trước khi Thốc Phát Nục Đàn chịu khuất phục và cử con trai là Thốc Phát An Chu (禿髮安周) cho Thư Cừ Mông Tốn làm con tin.

Tuy nhiên, Thốc Phát nục Đàn ngay sau đó lại lên kế hoạch phục thù, và cũng trong năm đó, ông đã cho mở một cuộc tấn công khác vào Bắc Lương, giành được thắng lợi ban đầu, song quân của ông đã rút lui với một tốc độ ung dung quá mức, và khi thời tiết chuyển sang gây bất lợi cho ông, Thư Cừ Mông Tốn đã đuổi kịp và đánh bại ông và một lần nữa lại bao vây Lạc Đô, buộc ông lại phải gửi con trai là Thốc Phát Nhiễm Can (禿髮染干) để làm con tin.

Năm 413, Thốc Phát Nục Đàn lại tiến đánh Bắc Lương và tiếp tục thất bại. Thư Cừ Mông Tốn lại bao vây Lạc Đô nhưng không thể chiếm được thành. Tuy nhiên, tướng Thốc Phát Văn Chi (禿髮文支) sau đó đã nổi loạn và điều này đã khuyến khích Thư Cừ Mông Tốn mở một cuộc tấn công mới. Thốc Phát Nục Đàn buộc phải gửi em trai Thốc Phát Câu Diên đến Bắc Lương làm con tin.

Năm 414, các bộ lạc Thóa Khiết Hãn (唾契汗) và Ất Phất (乙弗) đã nổi loạn, và mặc dù Nam Lương đang ở trong tình trạng tuyệt vọng, Thốc Phát Nục Đàn đã để thái tử Thốc Phát Hổ Đài làm chỉ huy tại Lạc Đô, còn mình thì mở một chiến dịch chống lại Ất Phất và đã khá thành công. Tuy nhiên, Khất Phục Sí Bàn, nay đã là vua Tây Tần, đã tấn công Lạc Đô. Thốc Phát Hổ Đài hoảng sợ và buộc những người Hán ở trong thành phải vào thành nội bởi ông không tin tưởng họ, điều này đã làm suy yếu đội quân của ông, và Lạc Đô đã thất thủ. Thốc Phát Hổ Đài bị bắt.

Cháu trai của Thốc Phát Nục Đàn là Thốc Phát Phiền Nê (禿髮樊尼, con trai của Thốc Phát Ô Cô) đã trốn thoát và thông tin cho Thốc Phát Nục Đàn về sự việc đã xảy ra. Thốc Phát Nục Đàn thông báo với quân đội rằng kế hoạch của ông là tấn công bộ lạc Thóa Khiết Hãn, và sau đó sử dụng số tài vật thu được từ cướp bóc để chuộc những người ở Lạc Đô từ tay Tây Tần. Tuy nhiên, quân lính khi nghe được tin này đã chán nản và bỏ rơi ông. Thốc Phát Nục Đàn buộc phải đến đầu hàng Tây Tần.

Liên quan